Đại lâm linh trong lòng nhạc việt: cơn gió lạ hay nhạc âm phủ?

22:11 29/08/2021

Chỉ trong một đêm, hiện tượng Đại Lâm Linh trở thành niềm mơ ước của bao ban nhạc trẻ vì sự nổi tiếng nhanh chóng đến lạ thường của nhóm này...

 

ĐẠI LÂM LINH TRONG LÀNG NHẠC VIỆT:


CƠN GIÓ LẠ HAY NHẠC ÂM PHỦ ?
         

 

“Người điên hát nhạc…âm phủ”, “Tra tấn khán giả”, “Hãm hiếp âm nhạc” v.v… đó là những ngôn từ lan truyền một cách nhanh chóng trên khắp các diễn đàn mạng chỉ sau một đêm trình diễn của nhóm Đại Lâm Linh trong liveshow Bài Hát Việt tháng 6 vừa qua. Chỉ trong một đêm, hiện tượng Đại Lâm Linh trở thành niềm mơ ước của bao ban nhạc trẻ vì sự nổi tiếng nhanh chóng đến lạ thường của nhóm này.

 

“Cây nữ tu – ca khúc đến từ âm phủ”

 

Trong nền bóng tối mờ mờ, ảo ảo, tiếng nhạc xậm xình như đưa đám, một cái đầu trọc nhô ra khỏi bóng tối và bắt đầu…gào rú. Và rồi, cái cô gái nhảy loi choi trên sân khấu trước đó, nhập với “cái đầu trọc”, bắt đầu hòa tấu những giai điệu gào rú, rên rỉ. Mỗi người một cách rú khác nhau: Người này giả tiếng gà “cụcc á”… thì người kia la “ối giời ối giờ", ho sặc sụa và la " ola ub cha hứ hứ hú ự ự ah, oi nhoi oi nhoi oi dòi oi nhoi…a bla bla bla la la lady gaga. Păm... Chém... Á á... Hơ hơ hơ..."...Họ lăn lộn, giãy giụa trên sân khấu như kẻ lên đồng, những kẻ đang phê thuốc, hay…những gã điên. Còn ngôn từ trong ca khúc “cây nữ tu” mà họ thế hiện thì dù người nghe có căng tai ra cũng khó nghe được ngôn từ mà 2 cô gái trên diễn tả. Đó cũng là “những giây phút kinh hoàng” không chỉ có khán giả tại liveshow mà cả những người xem lại đoạn clip đó sau này.

 


“Tưởng đến xem ca nhạc hóa ra bị lừa xem phim ma”, hoặc “Thế này mà gọi là nhạc à”. Đó là những câu phát biểu thường thấy nhất sau đêm trình diễn của Đại Lâm Linh. Chỉ riêng trên Facebook, hội "Những Người Không Thể Nào Cảm Thụ Được Nhạc Của ĐẠI LÂM LINH" mới lập ngay sau đêm diễn đã có số hội viên lên đến cả ngàn người và vẫn tiếp tục tăng. Những hội viên này tập trung bày tỏ nỗi bức xúc mà họ phải chịu sau khi nghe Đại Lâm Linh trình diễn, những lời bình luận tiêu biểu như:

“Âm nhạc Đại Lâm Linh đã đưa nhạc Việt lên “một tầm cao mới”, những ca khúc dở nhất từ trước đến nay bỗng trở nên hay ho một cách lạ thường nếu so với Cây nữ tu! “

"Đề nghị nên chọn nhạc của Đại Lâm Linh làm nhạc nền cho Halloween năm nay";

"Từ bao giờ Bài Hát Việt chấp nhận một nhóm nhạc“liêu trai chí dị” như vậy tung hoành thả phanh trên sân khấu của mình?"

“Sau này cha mẹ ở Việt Nam sẽ dạy con là: nếu con còn tái phạm, ba mẹ sẽ phạt con nghe nhạc Đại Lâm Linh đó, biết chưa”

Có người viết : “ Xin thưa – phá cách, cuồng nhiệt, gào thét để xả strees – thì xin cứ tự nhiên, gào ở góc nhà, góc vườn, ra bờ sông, công viên… Gào đâu thì gào, rú đâu thì rú, xin đừng lên sân khấu trực tiếp của một sân chơi âm nhạc có uy tín để gào tra tấn khán giả, và cũng đừng gán cho nó là một loại âm nhạc với suy nghĩ tìm tòi, thử nghiệm – kẻo tủi thân cho cụm từ “Âm nhạc Việt Nam". Nó giống như một ông vua không mặc long bào, trần truồng giữa phố đông người. Khi ấy kẻ trần truồng kia đâu còn là một ông vua - vô tình thành một chàng hề không hơn không kém”

Nỗi bức xúc ấy ngày càng gia tăng, những câu ca thán, chửi bới vẫn được nói rôm rả trên các hội, diễn đàn. Và hiện tượng Đại Lâm Linh không chỉ kéo theo sự hình thành của một Hội duy nhất trên facebook, tiếp đó còn có : Hội "Những người thất kinh vì Đại Lâm Linh”, những tên hội "Những người mãi mãi bàng hoàng khi xem ĐLL biểu diễn", "Những người phát cuồng vì ĐLL"... cũng liên tiếp mọc lên và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 


Những khán giả riêng

Một người tên Thiên Ca đã có lời giải thích về "hiện tượng" này: "Cách biểu diễn dị thường, trước những khán giả đến xem ca nhạc để giải trí thật đáng tiếc. Cả hai không hiểu nhau và không thuộc về nhau. Tiếc. Vì không gian của Đại Lâm Linh chỉ nên dành cho những người thực sự muốn nghe, thưởng thức, hay tìm hiểu họ và... không phải chỗ đó. “Hãy mở rộng âm nhạc ra” theo như NS Ngọc Đại nói, hay “Mọi người cho là quái tức là tôi đã thành công”, không phù hợp với không gian và khán giả sân khấu Bài hát Việt tại TP.HCM."

Đối lập với hội "Những Người Không Thể Nào Cảm Thụ Được Nhạc Của ĐẠI LÂM LINH" thì cũng có hội "Những khán giả chân chính yêu nhạc Đại Lâm Linh". Dù số lượng không đông đảo như các Hội khác nhưng họ cũng bày tỏ rất nhiều suy nghĩ thú vị: "Chúng tôi không đề cập đến việc khán giả của dòng nhạc này chân chính còn của dòng nhạc khác thì không. Từ "chân chính" ở đây chính để nhắc nhớ về sự cảm thụ và thẩm thấu âm nhạc thực sự của mỗi thành viên, để loại trừ những thụ cảm nửa mùa của những thành viên "like" theo số đông. Nghĩa là, nếu bạn không thực sự yêu thích, vui lòng đừng tham gia vào hoạt động của hội chúng tôi".

 

Những người này đa phần cho rằng Đại Lâm Linh có phong cách rất riêng, diễn rất hết mình, và có dũng cảm thể hiện bản thân. Họ bày tỏ lí lẽ riêng, cảm thụ câm nhạc riêng để yêu mến nhạc Đại Lâm Linh. Và thế là cuộc chiến giữa các hội này vẫn đang rất sôi nổi trên thế giới mạng

 

Cơn gió lạ hay nhạc âm phủ ?
 
Còn nhớ khi Tùng Dương, người đạt giải trong cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2004, bắt đầu trình làng những album theo phong cách rất riêng của anh. Những ca khúc:  “Những ô màu khối lập phương” hay “Mưa bay tháp cổ” một thời nhận được cái bĩu môi của khán giả cũng bởi cách nhấn nhá câu chữ, hình ảnh, cũng như phong cách biểu diễn có phần “hoang dã” của Tùng Dương... thì nay cũng đã có một lượng khán giả riêng. Khách quan mà nói, đánh giá về âm nhạc vốn không có quan điểm duy nhất. Mỗi khán giả tựa hồ vốn xem mình là giám khảo, mỗi người có cách đánh giá khác nhau cho nên có nhiều luồng dư luận trái chiều là vậy. Tuy nhiên, giữa  “đột phá” và “quậy phá” là làn ranh rất mong manh, âm nhạc là để giải trí, thư giãn hay để chiêm nghiệm, cuồng say thì cũng thật khó ai dám khẳng định. Bản thân người viết cũng vô tình xem được clip “cây nữ tu” do bạn bè gởi link, và đã thấy “điên” như thế nào sau bao áp lực trong công việc, cộng với màn tra tấn của Đại Lâm Linh. Còn cảm nhận của bạn thì sao? Nếu đã từng nghe ca khúc của Đại lâm linh, hãy chia sẻ cảm nhận của mình với mọi người nhé!

 

   

         


Hoàng Hưng

 

 

Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của HansaeYes24 Vina Co.,Ltd

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích