Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

22:11 29/08/2021

Con người dù là ở thuở sơ khai hay thời hiện đại, hay thậm chí cả tương lai cũng sẽ không thôi tìm kiếm những lời giải thích cho cuộc sống của họ, cho mọi thứ tồn tại xung quanh họ.

Share social

CUỘC ĐỜI CỦA PI: NHỮNG TRIẾT LÝ GIẢN DỊ

 

 

 

Con người dù là ở thuở sơ khai hay thời hiện đại, hay thậm chí cả tương lai cũng sẽ không thôi tìm kiếm những lời giải thích cho cuộc sống của họ, cho mọi thứ tồn tại xung quanh họ. Dù khoa học có phát triển đến đâu, trí tò mò vẫn sẽ không ngừng khao khát giải thích những giá trị mới mà nó tạo chỗ đứng không thể vững trãi hơn cho tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Qua bao tháng năm, những bí ẩn của cuộc sống dần được giải mã thì tôn giáo vẫn không hề suy suyễn trong cuộc sống nhân loại, bởi nó không chỉ là những lời giải thích thuở man di mà đã tiến hóa thành niềm tin - thứ mà con người luôn cần đến dù ở bất kì thời đại nào

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

Cậu bé Piscine Militor Patel sinh ra trong một gia đình êm ấm, bên cạnh vườn thú của gia đình, có lẽ chỉ có hai thứ trên đời này làm cậu bận tâm: một là làm sao để đám bạn trong trường học không nhạo báng cái tên của cậu, hai là đi tìm mục đích sống của cậu.

 

Piscine Militor Patel, tên khai sinh của cậu vốn được ông chú đặt theo tên một bể bơi nổi tiếng thì lại trở thành trò đùa cho đám bạn cùng trường khi tên cậu khi đọc lên lại đồng âm với những từ thô thiển. Thế là Piscine quyết định tự đặt tên cho mình thành Pi và để cho mọi người khắc sâu cái tên này, cậu bé thậm chí đã học thuộc hàng trăm con số của chuỗi Pi để từ đó không ai có thể quên cái tên này.

 

Pi là một cậu bé hiếu động và có một ý chí kiên cường. Sau khi giải quyết xong vấn đề thứ nhất, cậu lại tự tìm lời giải cho thắc mắc thứ hai. Pi lớn lên trong cộng đồng Hindu, Pi vẫn thấy thích thú với đạo Hồi và Thiên Chú giáo, thế là cậu tuân thủ quy tắc của cả ba tôn giáo trên.

 

 “ Cha thà để cho con chìm đắm vào một tôn giáo nào đó chứ không phải theo đuổi một lúc nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu con tin vào mọi thứ thì hóa ra con chẳng tin vào điều gì cả”

 

Cha của Pi đã nói như thế với cậu trong bữa cơm trưa. Ông là một nhà khoa học, không hẳn ông không tin vào tôn giáo nhưng ông thích mọi thứ biện chứng bằng khoa học và ông không muốn cậu con trai của mình mải miết chạy theo vô số những triết lí không có đích đến. Pi lúc đó có lẽ không thể hiểu được những lời lẽ của cha, càng không thể tìm được mục đích trong cuộc sống của cậu, cậu chỉ bơi mãi bơi mãi trong mớ quy tắc, giáo lí của ba tôn giáo mà cậu đam mê cho đến khi cậu gặp biến cố lớn nhất trong đời mình…

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

Những thay đổi trong đất nước khiến gia đình Pi buộc phải bán sở thú và mang những con thú lên tàu chuyển tới Canada sinh sống. Khi đi qua rãnh Mariana sâu nhất trên thế giới, con tàu bất ngờ gặp một trận bão khủng khiếp, nhấn chìm tất cả thủy thủ đoàn, gia đình gồm bố mẹ, anh trai của Pi và cả đàn thú. Tất cả đều vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển sâu, trừ Pi và bốn con thú may mắn trèo lên được một chiếc xuồng cứu hộ. Cuộc hành trình kì thú kéo dài 227 ngày của chàng thiếu niên giờ mới bắt đầu, khi xung quanh anh có một con ngựa vằn què chân, một con đười ươi say sóng, một con linh cẩu dữ dằn và chú hổ Richard Parker mà Pi biết từ nhỏ. Giữa biển cả mênh mông, Pi phải tìm cách sống chung với những người bạn đồng hành bất đắc dĩ, chống chọi với Mẹ thiên nhiên vĩ đại, với những nỗi đau thể xác và cô đơn trong tâm hồn...

 

Trong hành trình tưởng chừng như vô tận trên chiếc thuyền cứu hộ, Pi dần dần giải đáp được mọi thắc mắc của mình một cách tàn nhẫn nhất. Cậu bé ăn chay theo gia đình từ nhỏ, quấn quýt, xem các con thú như anh em, nhưng trên một chiếc thuyền nhỏ bé và thiếu thốn lương thực, Pi phải chứng kiến quy luật sinh tồn khắc nghiệt khi các con vật ăn thịt lẫn nhau mặc cho cậu van nài, kêu gào. Cuối cùng, chỉ còn cậu và chú hổ Richard Parker, hai sinh vật luôn phải đấu tranh không ngừng để giành giật lãnh thổ là chiếc thuyền cứu hộ trong tình trạng lương thực bắt đầu ít dần.

 

Ban đầu, thế mạnh thuộc về Parker khi chú hổ Belgan này buộc Pi phải tự tạo một chiếc bè của riêng mình để cách ly khỏi móng vuốt của nó, nhưng khi ăn hết những con thú kia, Parker trở nên yếu thế hơn khi nó không thể sử dụng đồ hộp và càng không biết tiết kiệm lương thực như Pi. Ở phía bên kia, Pi vừa phải tính toán, lao động để chiếc bè của mình thêm vững chãi, vừa phải chực chờ cơ hội để lẻn lên thuyền mà lấy thêm đồ hộp để mà tồn tại. Sự đối đầu tưởng chừng như không khoan nhượng này hóa ra lại sinh ra một mối quan hệ đặc biệt

 

“Mỗi ngày ở chuồng thú, Parker được cho ăn khoảng 2kg thịt. Bình thường nó sợ nước nhưng hổ là loài biết bơi và tôi chắc chắn rằng: khi cơn đói đến cùng cực thì khoảng cách này chẳng thể ngăn nó lao đến tôi”. Pi nghĩ trong khi mắc mồi vào dây câu cá mà nuôi … chính Parker.

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

Nuôi dưỡng kẻ thù có vẻ như là một hành động điên rồ, giống như hành động của Pi ngày xưa khi cố gắng làm bạn với Parker ngay từ lúc còn nhỏ. Ngay cả bây giờ, lúc Parker không chịu nổi cơn đói đã lao xuống biển và bơi đến chỗ Pi, ngay cả khi Pi đã bình tĩnh thoát lên thuyền, cậu cũng không thể đứng nhìn Parker thoi thóp và đuối sức dần trong làn nước…cậu để một miếng ván để cho nó leo trở lại trên thuyền.

 

“Parker, mày nhìn này, đẹp không? Mày đang nhìn gì thế?”

 

Pi vẫn rất ngây ngô nói chuyện với Parker như một người bạn ngay cả khi trước đó không lâu nó còn chực chờ để ăn tươi nuốt sống cậu. Trong màn đêm cô quạnh giữa đại dương, Pi nhìn ánh sáng từ những con sứa biển như để nhìn lại quãng đường đẹp đẽ ngày trước khi còn đầy đủ gia đình, giờ cậu chỉ còn mỗi Parker…

 

“Bằng cách nào đó, nỗi sợ hãi Parker làm cho tôi có thêm động lực để tồn tại”

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

Pi sợ Parker nhưng còn sợ mất nó hơn… con người trong sâu thẳm luôn rất sợ cô độc, sợ lẻ loi, nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn, và giữa đại dương vô tận này, có một con hổ Belgan luôn gầm gừ còn hơn một mình trơ trọi… vì thế mà Pi vẫn tiếp tục cố gắng sinh tồn, vừa nuôi luôn cả phần Parker… Cứ thế, cả hai trầy trật tìm đường sống trong sự trơ trọi với thiên nhiên, cùng thoi thóp trong những phút tuyệt vọng, rồi lại cùng vỡ òa trong những phút chạm được đất liền…

 

Một chuyến hành trình đầy gian nan nhưng ẩn chứa nhiều thông điệp thú vị như lần Pi và Parker lọt vào một hòn đảo kì lạ. Một hòn đảo không ngừng, đầy đủ lương thực và nước ngọt để Pi thỏa thích tắm táp và nghỉ ngơi cho đến khi đêm xuống. Nhìn lũ chồn hối hả trèo lên cây, Pi cũng theo phản xạ của mình trèo lên, ngủ trên cây để tránh sự uy hiếp vô hình đó, để rồi nửa đêm Pi thấy cá trong hồ nước ngọt mình tắm lúc sáng đã chết sạch

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

“Đó là một hòn đảo ăn thịt anh biết không. Ban đêm các loại tảo tiết ra chất độc và giết chết các sinh vật có trong hồ, nhưng đó chưa là gì khi tôi tìm ra một chiếc răng người được quấn kĩ trong một loài hoa kì lạ. Lúc tôi hiểu ra rằng mình phải tiếp tục hành trình tìm lại đất liền vì nếu tôi còn ở lại đây, nếu tôi không chết vì những cây ăn thịt, sẽ có ngày tôi nhục chí, không muốn ra biển để đương đầu với sóng gió nữa, và rồi chết dần chết mòn trên hòn đảo này. Nó đúng là một thiên đường chết chóc…”

 

Pi kể lại với người phóng viên đang tìm hiểu về câu chuyện của anh. Một hòn đảo xanh um và đủ lương thực không khác gì thiên đường cho Pi và Parker sau hàng trăm ngày vất vưởng, thiếu thốn giữa đại dương, nhưng rõ ràng con người không thể dừng lại bởi bất kì cám dỗ nào trước khi về được ngôi nhà thực sự của mình.

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

“Hôm đó cuối cùng tôi cũng vào được đất liền. Tôi loạng choạng rồi nằm gục xuống bờ biển. Rồi tôi thấy Parker nhảy phốc xuống bãi biển, từ tốn tiến gần đến lối vào rừng thẫm. Nó dừng lại một chút rồi biến mất. Sau đó tôi được “đồng loại” của mình phát hiện và cứu giúp. Tôi đã khóc rất nhiều khi được họ khiêng đi. Không phải vì đau, không phải vì mừng mà vì Parker… sau những gì chúng tôi đã trải qua, nó thậm chí không chào tôi lấy một tiếng…”

 

Pi rưng rưng kể lại phút giây tìm được đất liền. Anh bỗng dưng nhớ lại lúc thuở nhỏ khi anh cố đến gần Parker và may mắn được bố kéo lại.

 

“Con nghĩ nó xem con là bạn à? Đối với nó, con chỉ là một đống thịt biết di động thôi. Đừng nghĩ rằng con nhìn thấy gì trong đôi mắt nó, đó chỉ là hình ảnh phản chiếu của chính những suy nghĩ ngu ngốc của riêng con mà thôi”
Sau khi được cứu chữa tại bệnh viện, Pi được nhân viên bảo hiểm của chiếc tàu đắm tra hỏi nguyên nhân tàu chìm, anh kể lại nguyên văn câu chuyện nhưng không ai có thể tin rằng một cậu bé có thể sống sót lâu đến thế với một con hổ Belgan trưởng thành trên một chiếc thuyền cứu hộ. Thế là Pi phải bịa ra câu chuyện, tạo ra những nhân vật tương ướng với những con vật mà cậu gặp trên thuyền, rồi các “nhân vật” chém giết nhau như thế nào… và rồi câu chuyện ấy cũng làm vừa lòng các nhân viên bảo hiểm…

 

“Anh biết đấy, người ta thường chỉ thấy những gì người ta muốn thấy”

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

Pi cười mỉa mai kể lại với người phóng viên. Thật khó có thể xác định tính chân thật của bất kì câu chuyện nào của Pi kể, bởi tính vô hạn ẩn mình trong các câu chuyện. Cả cuộc đời Pi mải miết đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, cho đến khi cậu mất hết cả gia đình cậu chỉ mong trở lại cuộc sống như trước… rõ ràng những điều bình thường như một cuộc sống gia đình bình thường cũng có những giá trị thiêng liêng mà không gì đánh đuổi được. Trong suốt câu chuyện, Pi vẫn luôn ân hận vì chưa bao giờ kịp nói cảm ơn ba mẹ và anh trai, thậm chí là lời chào tạm biệt trong đêm định mệnh đó. Hình ảnh Parker có thể chính là đại diện của Pi khi ra đi không một lời từ biệt với những người đã cưu mang giúp đỡ mình. Liệu thực sự có chuyện Pi sống với một con hổ trong suốt thời gian dài như thế không? Liệu toàn bộ câu chuyện chỉ là những ảo tưởng của riêng Pi khi đuối sức hay chỉ là sự thêu dệt của kẻ may mắn sống sót? Khán giả có quyền có những suy nghĩ của riêng mình, nhưng bản thân câu chuyện cũng đã khiến người ta ngẫm nghĩ, suy tư khá nhiều, giống như câu nói của Pi “người ta thường chỉ thấy những gì người ta muốn thấy”.

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

Có thể nói “Life of Pi” là bộ phim áp dụng công nghệ 3D xuất sắc nhất kể từ khi “Avatar” mở màn trào lưu này năm 2008 và hoàn toàn xứng đáng được đề cử về Hình ảnh, Quay phim tại Oscar 2013. Bất cứ ai từng biết tới cuốn sách nguyên tác dày hơn 400 trang của nhà văn Yann Martel đều hiểu rằng đây là một tác phẩm cực kì khó chuyển thể. Lý An cùng đạo diễn Claudio Miranda đã đem lại một câu trả lời hoàn hảo với những hình ảnh đẹp kì vĩ được khuếch đại thêm bằng công nghệ 3D. Khi xem phim, khán giả không tránh khỏi cảm giác bị choáng ngợp, mê hoặc bởi vẻ đẹp vừa lộng lẫy, vừa ẩn chứa biết bao nguy hiểm của đại dương bao la. Nếu như Avatar trước đây từng làm người ta ấn tượng bởi vẻ đẹp của hành tinh Pandora giả tưởng thì “Life of Pi” giúp khán giả nhận ra ngay tại Trái Đất mình đang sống vẫn còn biết bao vẻ đẹp tiềm ẩn chưa được biết tới, cần được khám phá, trải nghiệm...

 

Cuộc đời của Pi: Những triết lý giản dị

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan