Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

22:11 29/08/2021

Tết này phim Thiên Mệnh Anh Hùng trở thành cái tên đáng chú ý và gây tò mò nhất, không chỉ vì cái tên Victor Vũ – đạo diễn nổi tiếng vì những bộ phim doanh thu cực cao và những câu chuyện đạo phim.

Share social

CHUYỆN LÀNG PHIM VIỆT:

 

THÁCH THỨC MANG TÊN PHIM CỔ TRANG

 

 

 

Tết này phim Thiên Mệnh Anh Hùng trở thành cái tên đáng chú ý và gây tò mò nhất, không chỉ vì cái tên Victor Vũ – đạo diễn nổi tiếng vì những bộ phim doanh thu cực cao và những câu chuyện đạo phim, không chỉ vì kinh phí kỉ lục 25 tỉ đồng như nhà sản xuất tuyên bố, mà quan trọng nhất, êkip và nhà sản xuất đã dám đương đầu với thể loại “khó xơi” nhất của làng phim Việt: phim cổ trang.

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Thiên Mệnh Anh Hùng được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn, phim kể lại vụ án vườn vải Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Câu chuyện lấy mốc thời gian là 20 năm sau đó, khi người cháu nội còn sống sót của Nguyễn Trãi tìm cách minh oan cho gia đình. Với kinh phí thực hiện 25 tỉ đồng, Phương Nam Phim & Saiga Films đã có những tính toán chu đáo trước phim trình làng với những trailers hoành tráng, những khung hình đẹp đã thu hút sự chú ý và chờ đợi của khán giả, tuy nhiên chẳng có gì đảm bảo cho một thắng lợi dễ dàng bởi những tiền lệ xấu trước đây của phim cổ trang Việt.

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Càn Long – nhân vật được khai thác nhiều nhất trên phim lịch sử Trung Quốc

 

Trong quá khứ, thời kì điện ảnh Việt Nam còn chưa phát triển rầm rộ như hiện tại thì phim cổ trang Trung Quốc, Hồng Kông và sau này là Hàn Quốc nhanh chóng chiếm hết thị phần tại Việt Nam. Thế mới có chuyện dân ta rành sử nước ngoài hơn sử nước nhà, mới có chuyện khán giả ta khi nghĩ về vua Càn Long thì nghĩ ngay đến một ông vua văn võ song toàn, yêu dân, thường xuyên vi hành để tìm hiểu dân tình dễ gây cảm tình ở người xem trong khi lại  dễ dàng quên mất rằng Càn Long chính là một trong những ông vua hung hăng của triều Thanh, đã xua quân xâm lược nhiều nước, nhưng khi đến Việt Nam đã bị Quang Trung đánh cho tan tác. Khán giả truyền hình được đãi hàng trăm những bữa tiệc phim lịch sử Trung Quốc, dù có nhiều món ngon nhưng là của người khác, chỉ càng làm người Việt Nam mủi lòng thêm khi nghĩ đến mình.

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Đêm Hội Long Trì, một trong những phim cổ trang kinh điển của Việt Nam

 

“Lịch sử dân tộc cực kỳ phong phú, độc đáo với nhiều sự kiện lớn, biến cố lớn và nhiều bài học lịch sử cần thiết cho cuộc sống hôm nay và mai sau, song điện ảnh Việt Nam nhiều năm nay còn có món nợ lớn với lịch sử bằng ngôn ngữ điện ảnh…”-chia sẻ của giáo sư Đinh Xuân Dũng cũng là nỗi lòng chung của người yêu sử nhà. Thuở sơ khai, phim cổ trang Việt Nam vẫn có những dấu son nhất định như: "Đêm Hội Long Trì", "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Lửa cháy thành Đại La" … nhưng giờ chẳng mấy người còn biết đến những phim đó. Thế rồi, bẵng đi hàng chục năm, phim cổ trang thoi thóp theo diễn biến chung của điện ảnh Việt mãi cho đến khi trở lại tưng bừng trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long.

 

Dư luận từng xôn xao với làn gió mới ấy bởi có khi cùng một đề tài lịch sử, có đến vài ba phim được tiến hành thực hiện cùng một lúc. Không những thế, khán giả còn không kém phần hồi hộp chờ đón những bộ phim được quảng cáo là "bom tấn" với mức đầu tư "khủng" và đội ngũ từ nhà sản xuất, đến diễn viên cũng đều rất..." khủng". Những cái tên trong sự kiện này có thể kể đến: “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền Sử thiên đô”, “Long thành cầm giả ca”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Tây Sơn Hào Kiệt”, "Chiếu dời đô", "Thái tử Lý Công Uẩn"... đều là những dự án phim lịch sử được đưa ra thực hiện trong thời gian kể trên với nhiều thông báo rộng rãi đến công chúng trong thời gian dài trước Đại lễ. Nhưng… mong chờ bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu…

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

“Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” với scandal phim Tàu nói tiếng Việt

 

"Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" thậm chí còn chưa lên sóng đã gọi là phim Trung Quốc nói tiếng Việt bởi cả một ê kíp từ đạo diễn, trường quay, diễn viên quần chúng, trang phục đều là của Trung Quốc. "Thái sư Trần Thủ Độ" thì vướng mắc chuyện một cô á hậu bỏ vai, sau đó lại là việc khai thác chính lăng Minh Mạng (nơi thờ vua triều Nguyễn) thành trường quay; còn "Chiếu dời đô" thì long đong chuyển tay từ nhà sản xuất này qua nhà sản xuất khác... 

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Tây Sơn Hào Kiệt – một trong những phim cổ trang có nhiều đại cảnh hoành tráng

 

Còn nhớ lúc chuẩn bị trình làng, Tây Sơn Hào Kiệt có lẽ đã được giới thiệu hoành tráng không thua gì Thiên Mệnh Anh Hùng bây giờ, mà nói về những đại cảnh hay mức độ chịu chơi thì lại càng không kém. Tây Sơn Hào Kiệt có những đại cả huy động hơn mười ngàn diễn viên, không thiếu những cảnh đồn Ngọc Hồi rung chuyển bởi tiếng quân Tây Sơn hò reo công thành,  hay sự rầm rộ của hơn 100 chú voi tham gia cảnh quay, đại bác nổ rền trời, một biển tên lửa bao trùm doanh trại quân Mãn Thanh… để những gì đọng lại trong lòng khán giả gần như là con số không tròn trĩnh, báo chí sau khi phim trình chiếu cũng im hơi theo sự quên lãng.

 

Vậy đâu là những vật cản của dòng phim cổ trang Việt Nam?

 

Vấn đề đầu tiên và muôn thuở: tiền. Khi thể loại phim tình cảm, hài vẫn hốt bạc thì rót tiền tỉ vào phim cổ trang quả là canh bạc lớn, mà khi không có nhiều tiền thì lại càng bi đát hơn. Dự án dài hơi “Huyền sử thiên đô” với điệp khúc chiếu rồi ngưng, thậm chí là phải bỏ 30 tập cuối trong kế hoạch vì không thể thu hồi vốn kịp. Mà chuyện dừng sản xuất là bình thường nếu so với tác hại của việc thiếu kinh phí, đó là sự kém chất lượng từ kịch bản cho đến các rắc rối khác.  Thiếu tiền, dẫn đến thiếu phim trường, phục trang, kỹ thuật… nên mới có chuyện đi thuê mướn, mà điển hình là Lý Công Uẩn – đường tới Thăng Long đã bị “đánh” tơi tả từ mặt báo tới dư luận, thậm chí bị kêu gọi tẩy chang khi cái gì cũng… mượn của Trung Quốc. Mà câu chuyện “giống hay không giống” lại là một chuyện dài dường như không có đoạn kết, còn phim cổ trang sau sự kiện đại lễ tiếp tục bị thờ ơ vì quá thiếu an toàn đối với nhà đầu tư. 

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Huyền Sử Thiên Đô- phim truyền hình lao đao vì kinh phí

 

Sự nhúng tay của các hãng tư nhân trong thời gian qua phần nào giải quyết vấn đề kinh phí nhưng cũng chưa đủ “giải cứu” phim cổ trang Việt Nam. Cũng như xây dựng một ngôi nhà, việc sản xuất phim lịch sử cũng phải có một cái nền vững chắc nhất định. Cái nền đó, trước hết là ở những người sản xuất, từ phông kiến thức về lịch sử, đến những tìm tòi, tham khảo để làm sao hoàn thành một bộ phim lịch sử cho đúng “chất”. Người biên kịch là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của một bộ phim cần am hiểu lịch sử về giai đoạn diễn ra trong bộ phim hơn ai hết.

 

Nhưng quan trọng là cách nhìn của công chúng xem chừng vẫn còn thiếu cởi mở. Nếu như Trung Quốc xem Tần Thuỷ Hoàng lúc là hôn quân, lúc là đấng anh minh, cho Càn Long, Khang Hy vi hành khắp nơi khắp chốn cũng chẳng ảnh hưởng đến lịch sử, vì họ quan niệm phim ảnh đơn giản chỉ là phim ảnh, ai muốn nghiên cứu lịch sử thì đến thư viện xem sách sử. Nghịch lý là ở Việt Nam, người ta sẽ thấy bình thường nếu hoàng hậu Thiên Thiên mắng chửi nhà vua trong Trộm long tráo phụng, nhưng lại khó chịu khi nàng Kiều Nguyệt Nga không e thẹn, nết na như họ mong muốn!

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Thiên Mệnh Anh Hùng với những kì án thâm cung bí sử

 

Là kẻ đi sau, Thiên Mệnh Anh Hùng dường như đã biết rút kinh nghiệm nhiều từ các tiền bối. Bối cảnh của Bức huyết thư là xương sống của câu chuyện, nhưng Thiên Mệnh Anh Hùng khéo léo tránh gây tranh cãi về chuyện đúng sai của lịch sử nên thay vì đi sâu vào tình tiết của vụ án Lệ Chi Viên, phim tập trung vào những xung đột gay cấn trong xã hội bấy giờ và một hành trình, một mối tình lãng mạn kiểu hiệp khách đan xen những cảnh chiến đấu đẹp mắt nhờ vào kĩ xảo chứ không cần đại cảnh hoành tráng.

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

Một chuyện tình lãng mạn mang màu sắc hiệp khách

 

Dẫu sao cũng nên khen gợi sự “dũng cảm” của các nhà làm phim khi dám đương đầu với thử thách này. Sau bao năm, cuối cùng cũng có một phim cổ trang với kinh phí thuộc “hàng khủng”, được dẫn dắt bởi một đạo diễn mát tay (Victor Vũ), tất cả chỉ còn chờ xem liệu Thiên Mệnh Anh Hùng có đánh thức được một thể loại đầy tiềm năng như phim cổ trang hay không mà thôi.

 

Chuyện làng phim Việt: Thách thức mang tên phim cổ trang

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan