Bạn đã từng "nghỉ việc không lành mạnh"?

22:11 29/08/2021

Cụm từ “nghỉ việc không lành mạnh” có vẻ như còn rất mới mẻ với nhiều người, nhưng bạn có biết, đa phần trong chúng ta đều từng vướng phải tình trạng này khi quyết định từ bỏ 1 công việc.

Bạn đã từng “nghỉ việc không lành mạnh”?

 

 

 

Cụm từ “nghỉ việc không lành mạnh” có vẻ như còn rất mới mẻ với nhiều người, nhưng bạn có biết, đa phần trong chúng ta đều từng vướng phải tình trạng này khi quyết định từ bỏ 1 công việc. Hãy thử trả lời các câu hỏi dưới đây để biết, bạn có phải là một trong số những người từng nghỉ việc không lành mạnh.

 

Một nhân viên thông minh là người khi thôi việc ở công ty cũ, họ vẫn giữ được hình ảnh đẹp, sự tiếc nuối đối với những người ở lại. Khi không còn là đồng nghiệp cùng cơ quan, họ vẫn có thể là một người bạn, người anh em ở nơi cũ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, văn hóa nghỉ việc của nhiều người lại rất thiếu chuyên nghiệp.

 

Theo bạn, xin việc mới khó, nghỉ thì đơn giản?

 

Đa phần đều đồng ý với quan điểm trên, rằng xin việc mới thực sự là vấn đề nan giải. Nhưng thực chất, để nghỉ việc trở nên “có văn hóa” thì cũng không hề đơn giản. Nếu bạn xem chuyện nghỉ việc dễ dàng chỉ với một lá đơn là chấm hết. Đó là sai lầm! Tôi sẽ giúp bạn nhận ra sự sai lầm đó như thế nào khi trả lời tiếp các câu hỏi bên dưới.

 

 

Bạn xem chuyện nghỉ việc dễ dàng chỉ với một lá đơn là chấm hết?

 

Lá đơn nghỉ việc của bạn như thế nào?

 

Bạn nghĩ rằng, việc gì phải tốn công cho một lá thư xin nghỉ, bạn đâu cần chứng minh hay chứng tỏ bất kỳ điều gì cho sếp như khi nộp đơn xin việc.

 

Thực ra, một lá đơn nghỉ việc được đầu tư, với những tâm huyết và chia sẻ, những tâm sự của bạn hoặc một vài lí do khiến bạn nghỉ việc, chế độ công ty, khả năng thăng tiến….sẽ giúp ích rất nhiều không chỉ cho bạn mà cả những đồng nghiệp vẫn còn làm việc tại công ty. Việc bạn viết một lá đơn đầy tâm huyết còn giúp sếp thông cảm hơn cho quyết định của bạn, họ sẽ chấp nhận sự ra đi của bạn, bằng sự tôn trọng và cảm thấy mất mát lớn cho công ty của mình thay vì sự bực tức và khó chịu.

 

 

Việc bạn viết một lá đơn nghỉ việc đầy tâm huyết còn giúp sếp thông cảm hơn cho quyết định của bạn, họ sẽ chấp nhận sự ra đi của bạn bằng sự tôn trọng.

 

Cách mà bạn dứt áo ra đi?

 

Nếu một ngày đẹp trời, bạn nhận được thư mời làm việc tại một công ty mới với vị trí mơ ước, nhưng họ cần bạn trong thời gian sớm nhất. Bạn sẽ làm gì? lập tức viết đơn và xin nghỉ ngay sau đó với lí do: công ty mới đang rất cần bạn! Bạn không quan tâm công ty cũ sẽ xử lý như thế nào với số lượng công việc tồn đọng khi bạn đi, không cần biết khi nào công ty tìm được người mới thay thế, các dự án dang dở sẽ đi về đâu….

 

Bạn thật tệ! Cách ra đi của bạn sẽ khiến sếp và những người đồng nghiệp đánh giá thấp về con người của bạn. Dù sao đó cũng là nơi mà bạn từng gắn bó, đừng để xảy ra các tình huống khó xử mà không thể nhìn mặt nhau sau này.

 

 

Dù sao đó cũng là nơi mà bạn từng gắn bó, đừng để xảy ra các tình huống khó xử mà không thể nhìn mặt nhau sau này.

 

Sếp biết bạn nghỉ việc qua xì xào từ đồng nghiệp?

 

Bạn đã có dự định nghỉ việc từ trước, nhưng bạn chưa sẵn sàng nói chuyện với sếp mà đem chuyện này để thông báo cho các đồng nghiệp biết trước. Đừng làm như vậy!

 

Sếp luôn là người đáng được biết đầu tiên khi nhân viên có những quyết định liên quan đến công ty. Bạn có hiểu được cảm nhận của họ, nếu như phải nghe thông tin nghỉ việc của bạn từ lời bàn tán xì xào của những người đồng nghiệp mà không phải bạn trực tiếp nói ra. Họ sẽ có những cảm nhận và ấn tượng không hay về bạn.

 

 

Bạn có hiểu được cảm nhận của sếp nếu như phải nghe thông tin nghỉ việc của bạn từ lời bàn tán xì xào từ những người đồng nghiệp?

 

Bạn lỡ “mang nhầm” tài liệu, tài sản công ty đi cùng

 

Việc nhầm lẫn này thật tiếc lại rất thường xuyên xảy ra với nhân viên văn phòng. Những người sẵn sàng với tư thế “1 đi không trở lại” chắc chắn sẽ hành động như vậy. Khi bạn bỏ túi được 1 số tài liệu kha khá, một vài hợp đồng mà bạn lôi kéo đối tác về công ty mới, hay nhỏ nhặt hơn là một vài thứ tài sản của công ty…bạn đã tự hạ thấp bản thân mình.

 

Và nếu như một ngày nào đó, trong một sự kiện quan trọng bạn lỡ đối diện với sếp và những người đồng nghiệp cũ, liệu bạn có dám nhìn mặt họ?

 

 

Khi bạn bỏ túi được 1 số tài liệu kha khá, một vài hợp đồng mà bạn lôi kéo đối tác về công ty mới, hay nhỏ nhặt hơn là một vài thứ tài sản của công ty…bạn đã tự hạ thấp bản thân mình.

 

Bạn có từng kể xấu công ty cũ, đồng nghiệp cũ với những người mới?

 

Rất hiếm khi nhân viên đến công ty mới mà ca tụng về công ty cũ, thường bạn sẽ ba hoa chích chòe về công việc mới (với mục đích lấy lòng sếp) hoặc chê bai về môi trường làm việc cũ, về người sếp khó tính, các đồng nghiệp nhiều chuyện….Bạn đang tạo một cánh cửa để đồng nghiệp mới, sếp mới đánh giá về con người của bạn đấy!

 

 

Khi kể xấu về những người đồng nghiệp và công ty cũ, bạn đang tạo một cánh cửa để đồng nghiệp mới, sếp mới đánh giá về con người của bạn đấy!

 

Nghỉ việc, đồng nghĩa với việc cắt đứt mọi quan hệ với đồng nghiệp cũ?

 

Bạn thấy không cần thiết phải liên lạc với những người cũ làm gì, mất thời gian! Bây giờ họ chẳng thể giúp ích được gì cho công việc của bạn, họ cũng không thân thiết đến mức bạn phải giữ liên lạc.

 

Thực tế, những người thành công luôn biết cách tạo dựng mối quan hệ rộng, mạng lưới mối quan hệ càng dày và thân thiết sẽ giúp ích cho họ không ở việc này cũng là vấn đề khác. Cách mà bạn chủ động chấm dứt mối quan hệ sẵn có sẽ chỉ khiến bạn bị thu hẹp trong thế giới của mình mà không thể phát triển được.

 

 

Hãy để sự ra đi của bạn được tôn trọng, như cách bạn đã từng bước vào công ty.

 

Người Mỹ cho rằng, việc thay đổi công việc thường xuyên thể hiện bạn là người năng động và có năng lực, người Nhật lại nghĩ đó là con người thiếu trung thành, không thể tin tưởng. Dù là quan niệm nào đi nữa, bạn hãy cố gắng giữ cho mình một lập trường và văn hóa ứng xử đẹp khi quyết định nghỉ việc.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích