Âm nhạc 30 năm vắng bóng John
22:11 29/08/2021
- Công ty Sey Solutions - Giải pháp xây dựng phần mềm
- "Sai lầm to lớn" khi chấm nước bọt vào nốt muỗi đốt
- 4 việc nên làm vào buổi tối để có được một body thon gọn
30 năm sau, hoa và nến vẫn nở đầy trước cổng nhà Dakota, All you need is love vẫn được hát vang từ những mái tóc bạc màu muối tiêu và cả những gương mặt đang lưng chừng lớn…30 năm rồi âm nhạc vắng John nhưng những giai điệu đẹp của anh vẫn mãi ngân vang cho đời. Trong những ngóc ngách của cuộc sống đời thường anh vẫn luôn tồn tại...
ÂM NHẠC 30 NĂM VẮNG BÓNG JOHN…
|
John Lennon tên đầy đủ là John Winston Lennon, ra chào đời ngày 9 tháng 10 năm 1940 tại Liverpool, Anh quốc, trong một gia đình theo Anh giáo. Ngay từ ngày có trí khôn, John Lennon đã cho thấy cậu là một đứa trẻ thích nổi loạn, ở trường học thì phá phách, hỗn láo với thầy cô, và không chịu học hành. Học bạ cuối năm lớp 9 tại trường trung học Quarry Bank High School ghi: “Không một chút hy vọng. Là tay hề trong lớp. Kết quả học tập thật kinh hoàng. Chỉ làm uổng phí thời giờ của các bạn học”.
Nhưng khi John cất tiếng hát, người ta không còn nhận ra một con quỷ phá phách thường ngày, trái lại, những lời ca thánh thiện đầy cá tính từng bước nâng John đi lên trong sự nghiệp. Tháng 3 năm 1957, vào tuổi 16 tuổi, John Lennon đã đứng ra thành lập ban nhạc trẻ “Quarrymen”, cái tên ấy cũng là tiền đề để John gặp Paul MacCartney tạo nên bộ đôi huyền thoại của The Beatles. |
Năm 1963, Beatles tung ra bản single đầu tiên được lên top ở Anh và Mỹ “Love Me Do”, và tới năm 1964, đã chinh phục cả thế giới. Từ đó cho tới khi Beatles chia tay vào năm 1970, John Lennon đã sáng tác gần một nửa trong số khoảng 250 ca khúc của Beatles. Chỉ tính các ca khúc do John Lennon viết một mình hoặc viết chung với Paul McCartney, đã có 27 bản đứng No.1 tại Hoa Kỳ, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu!
Khi thành lập, Beatles đã được gọi là một ban nhạc rock, nhưng càng về sau, những ca khúc của họ càng được nhiều thành phần thính giả yêu thích, không chỉ vì nét nhạc thu hút mà còn vì ý nghĩa của lời hát, mang nặng triết lý sống và suy tư của cả một thế hệ.
|
Vào ngày 8 tháng 12 năm 1980 một ngày không bình thường ở Thành phố New York, Jose Perdomo, nhân viên gác cửa tòa nhà Dakota nơi gia đình John sống vẫn còn nhớ như in những giây phút kì lạ ấy. Ông và người lái xe đã nhìn thấy Mark David Chapman đang đứng cạnh lối ra vào. Ono đi bộ vào trước Lennon đi theo sau, người đàn ông lạ vẫn đứng trước toà nhà và bắt đầu đi nhanh hơn. Chapman gọi giật lại "Ông Lennon" trong khi Lennon quay lại, Chapman cũng dừng lại và bắn vào Lennon 5 phát súng. John gục xuống, Jose chạy đến xem xét John rồi gọi cảnh sát trong khi Chapman đứng yên lặng bên ngoài tiền sảnh, đọc sách và chờ cảnh sát đến. Người canh gác cửa hét lớn vào mặt Chapman, "Mày có biết mày đã làm gì không?". Chapman bình tĩnh trả lời "Tôi vừa bắn John Lennon".
Chapman bị tuyên án 20 năm tù, nhưng trên thực tế, sẽ không bao giờ được thả ra bởi vì người ta sợ y sẽ bị fan của John Lennon thanh toán ngay khi vừa bước chân ra khỏi trại giam. 30 năm sau, hoa và nến vẫn nở đầy trước cổng nhà Dakota, All you need is love vẫn được hát vang từ những mái tóc bạc màu muối tiêu và cả những gương mặt đang lưng chừng lớn…
Có người nói rằng John Lennon là một sản phẩm do những hình thái xã hội nhào nặn ra và vì vậy cuối cùng anh cũng bị chính xã hội ấy loại trừ. Những lò lửa chiến tranh ở Triều Tiên, là cuộc chiến leo thang ở Việt Nam, là sinh viên biểu tình bãi khóa ở Pháp, là cái chết của Kennedy và mục sư Luther King, là những người lính ra đi không thấy trở về ... Những biến chuyển xã hội ấy đã tạo ra một chàng John Lennon vốn đang để đầu nấm, mặc chiếc áo vest cổ lọ và ngân những I want to hold your hand, From me to you... bỗng quay ngoắt bằng mái tóc dài lười cắt, râu lười cạo và chiếc kính đổi màu mà hậu thế suy tôn nó thành cả một biểu tượng của Hòa bình. John ném trả lại chiếc mề đay Hiệp sĩ cao quý mà Hoàng gia Anh ban tặng để phản đối cuộc chiến ở Việt Nam. Anh xuống đường bắc loa kêu gọi Sức mạnh thuộc về nhân dân, lên giường đòi Cho hòa bình một cơ hội… John đứng chếch ngoài rìa mọi trào lưu âm nhạc, lấy hình thái xã hội làm đinh, đóng chặt trên cột thánh giá tư tưởng một niềm ưu tư mà những bạn hữu cùng thế hệ chẳng phải ai cũng hiểu được thì tay đó hoặc thiên tài hoặc chỉ là một gã dở hơi muốn tìm chút hư danh trong suy nghĩ cuộn tròn hoang tưởng.
30 năm sau nước Mỹ vẫn đi trên con đường thuở trước, hòa bình vẫn chưa bao giờ có một cơ hội. 30 năm rồi âm nhạc vắng John nhưng những giai điệu đẹp của anh vẫn mãi ngân vang cho đời. Trong những ngóc ngách của cuộc sống đời thường anh vẫn luôn tồn tại. Ở một quán nhỏ yên tĩnh nào đó vẫn sẽ có những gã nhắm nghiền mắt, tay bấm hợp âm Dsus4 và nỉ non cho một Woman… Khu kí túc xá vẫn sẽ có gã chít khăn trắng lên đầu, chân đi đất và gào thét Don’t let me down đến khản giọng.. Hàng nghìn cánh tay vẫn sẽ đung đưa tại các quảng trường khi đám đông cùng hát Imagine trong những đêm 8 tháng 12 tưởng niệm John… Một đứa trẻ thoát khỏi bóng đen từ đệ nhị thế chiến nhưng cuối cùng lại ngã gục trước cây súng, biểu tượng của chiến tranh. Đứa trẻ ấy chưa bao giờ lớn và cũng chẳng bao giờ bị khai tử...
Bài: Hoàng Hưng
THÔNG TIN MUA SẮM
-
Những điểm trang điểm cần tránh khi đi phỏng vấn
Ngoài kiến thức chuyên môn nghề nghiệp thì khi trang điểm cho khuôn... Xem thêm >
-
LÀM TRẮNG RĂNG ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ TẠI NHÀ
Có được một hàm răng trắng sáng luôn là đều mà mọi người mong muốn, nó... Xem thêm >