Sách Bộ Sách Fukuyama - Lịch Sử Chính Trị (Bộ 2 Cuốn)
Thông tin sản phẩm
Mã hàng | 8935270703004 |
Tên Nhà Cung Cấp | Alpha Books |
Tác giả | Francis Fukuyama |
NXB | NXB Tri Thức |
Năm XB | 2021 |
Trọng lượng (gr) | 2000.0 |
Kích thước Bao Bì | 24 x 16 cm |
Số trang | -1 |
Hình thức | Bộ Hộp |
Bộ sách về lý thuyết chính trị được đáng giá cao của nhà kinh tế chính trị người Mỹ Francis Fukuyama gồm có 2 tập:
Tập 1 - Nguồn gốc trật tự chính trị: Từ thời tiền sử đến cách mạng Pháp
Tập 2 - Trật tự chính trị và suy tàn chính trị: Từ cách mạng công nghiệp tới toàn cầu hóa
Bộ sách này ra đời nhằm xem xét nguồn gốc lịch sử của các thể chế chính trị cũng như quá trình suy thoái chính trị. Tập 1 bàn về quá khứ bắt đầu với các nền chính trị của những bậc tổ tiên từ thời Tiền sử, câu chuyện trải dài từ các xã hội bộ lạc đến nhà nước hiện đại đầu tiên ở Trung Hoa, từ sự khởi đầu của pháp quyền ở Ấn Độ và Trung Đông đến quá trình phát triển của trách nhiệm giải trình chính trị tại châu Âu, và kết thúc ở mốc Cách mạng Pháp nổ ra. Tập 2 sẽ đưa câu chuyện đến thời hiện đại, đặc biệt chú ý đến tác động của các thể chế phương Tây đối với các thể chế ở các xã hội ngoài phương Tây khi các xã hội này tìm cách hiện đại hóa. Và sau đó là mô tả cách phát triển chính trị xảy ra trong thế giới đương đại.
Về tập 1
Nguồn gốc trật tự chính trị: từ thời Tiền sử đến Cách mạng Pháp ra đời năm 2011 dưới ngòi bút của nhà kinh tế–chính trị Francis Fukuyama, nói về tính ổn định của nhà nước. Tác giả vận dụng lịch sử chính trị so sánh để triển khai một lý thuyết về tính ổn định của một hệ thống chính trị. Theo Fukuyama, một nhà nước ổn định cần mang tính hiện đại và mạnh mẽ, cần tuân thủ pháp luật áp dụng hiện hành và có trách nhiệm giải trình.
Cuốn sách còn nhằm mục đích lý giải tại sao việc xây dựng nhà nước hiện đại và xây dựng các thiết chế ở những quốc gia như Afghanistan, Iraq, Somalia, Haiti, Timor-Leste, Sierra Leone và Liberia lại không được như kỳ vọng. Từ hệ quả của cuộc tấn công vào Iraq năm 2003 của Mỹ, chính quyền nước này dường như thật sự bất ngờ trước sự sụp đổ của nhà nước Iraq sau những cuộc cướp bóc và xung đột dân sự.
Một nội dung lớn trong cuốn sách chính là “trở thành Đan Mạch”, nghĩa là, tạo ra những xã hội ổn định, hòa bình, thịnh vượng, đầy đủ và trung thực. Fukuyama chỉ ra rằng tại thời điểm ông đặt bút viết tác phẩm này, 90 xã hội “nguyên thủy” đương thời/đang tồn tại đã và đang dính líu vào chiến tranh, hàm ý trật tự chính trị phải được ưu tiên hơn so với các cấu trúc xã hội nguyên thủy nếu muốn đạt được sự ổn định. Việc định hình các quốc gia (nằm ngoài thế giới phương Tây) theo hình mẫu dân chủ kiểu phương Tây đã thất bại – lý do là gì? Người đọc hãy theo chân Fukuyama tìm hiểu căn nguyên cho điều đó qua hai chặng: tìm kiếm nguồn gốc thật sự của trật tự chính trị, và lần theo lịch sử của Trung Hoa, Ấn Độ, châu Âu và một vài quốc gia Hồi giáo từ góc nhìn ba hợp phần.
Bởi mục tiêu của cuốn sách là tìm hiểu cách thức các thiết chế và nhà nước phát triển ở các quốc gia khác nhau nên nó còn đóng vai trò là một nghiên cứu lịch sử so sánh. Có thể nói, Nguồn gốc trật tự chính trị: từ thời Tiền sử đến Cách mạng Pháp là sự mở rộng, nối tiếp tác phẩm Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội biến đổi) của Samuel P. Huntington, sánh ngang về quy mô với Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond. Fukuyama lập luận dựa vào lịch sử các nước như Trung Hoa, Ấn Độ và khu vực Trung Đông trước khi tập trung vào những đường hướng đa dạng mà các nước châu Âu đã đi.
Chứa đựng khối lượng kiến thức khổng lồ và đa ngành, đa diện – lịch sử, sinh học tiến hóa, khảo cổ học và kinh tế học, công trình vừa lỗi lạc vừa gây phấn khích này của Fukuyama giới thiệu tới độc giả những cái nhìn mới mẻ về nguồn tốc của các xã hội dân chủ và đặt ra những vấn đề thiết yếu về bản chất của chính trị và sự bất mãn chính trị.
Các cột mốc mà tác phẩm đạt được:
New York Times Notable Book năm 2011
Globe and Mail Best Books of the Year 2011
Kirkus Reviews Best Nonfiction năm 2011
Đánh giá/ Nhận xét của chuyên gia
- “Tham vọng và cực kỳ nên đọc.” ―The New Yorker
- “Cuốn sách nên có mặt ở mọi thư viện, trên mọi giá sách.” ―David Keymer, Library Journal
- “Tác phẩm mới của nhà lý thuyết chính trị Francis Fukuyama là một thành quả trọng yếu, có thể xếp chung giá với các công trình của một số nhà tư tưởng chuyên đề như Jean-Jacques Rousseau và John Locke, hay các nhà triết học đạo đức hiện đại các nhà kinh tế học như John Rawls và Amartya Sen… Nó mở ra một viễn cảnh, nó góp một tiếng nói vào những vấn đề nóng bỏng về chính trị hiện thời.” ―Earl Pike, The Cleveland Plain Dealer
- “Một chiến thắng về học thuật, đồ sộ về quy mô, vững vàng về lý luận, và giàu tính khuyến nghị. Nói tóm lại, đây là một tác phẩm kinh điển.” ―Ian Morris, Slate
- “Đầy tham vọng, uyên bác và hùng hồn – đây quả là một thành tựu quan trọng đến từ một trong các học giả hàng đầu thời đại chúng ta.” ―Michael Lind, The New York Times Book Review
- “Cực kỳ hấp dẫn… Với lượng kiến thức uyên bác ấn tượng, Fukuyama chu du khắp nơi từ Trung Quốc, Ấn Độ, thế giới Islam giáo tới nhiều vùng ở châu Âu để truy tìm những cấu phần chính của trật tự chính trị tốt, cũng như cách thức và lý do mà trật tự ấy có mặt ở nơi này hay không có mặt ở nơi khác… Fukuyama vẫn là cây bút có khả năng khái quát như chúng ta đã biết từ thời The End of History, đồng thời sở hữu cái nhìn chính xác về mặt chi tiết. Thông thường, ít có cuốn sách nào về lý thuyết chính trị mà người đọc muốn đọc một mạch từ đầu chí cuối, Nguồn gốc trật tự chính trị thuộc về số ít đó.” ―The Economist
Trích đoạn hay
Thị trường tự do là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, nhưng chúng không thể tự kiểm soát, đặc biệt là khi liên quan đến ngân hàng và các thể chế tài chính lớn khác. Sự bất ổn của hệ thống phản ánh sự thất bại chính trị, hay thất bại trong việc giám sát hiệu quả ở cả cấp quốc gia và quốc tế. (Chương 1)
Bản chất con người là động vật tuân theo quy luật: chúng ta bẩm sinh đã tuân thủ các chuẩn mực xã hội xung quanh mình, bảo vệ những quy tắc này với ý nghĩa và giá trị thường là tối cao. Khi môi trường xung quanh thay đổi và những thách thức mới phát sinh, thường có sự phân biệt giữa các thể chế hiện tồn và nhu cầu hiện tại. Các thể chế này được bảo hộ bởi các lực lượng bảo thủ, những người phản đối bất kỳ thay đổi căn bản nào. (Chương 1)
Hầu hết những người sống ở các nước phát triển ổn định và thịnh vượng, và thậm chí chính người Đan Mạch, đều không biết làm sao Đan Mạch có thể trở thành Đan Mạch hiện tại. Cuộc tranh đấu để tạo ra các thể chế chính trị hiện đại đã kéo dài và nhiều đau đớn đến nỗi những người sống ở các nước công nghiệp hóa giờ đây như mắc “chứng quên lịch sử” về việc xã hội của họ trở nên hiện đại như thế nào. (Chương 1)
Chúng ta có thể gán cho đây là ngụy biện kiểu Hobbes: ý tưởng rằng con người ban đầu mang tính cá nhân và tham gia vào xã hội ở một giai đoạn sau trong quá trình phát triển chỉ là kết quả từ một tính toán hợp lý – hợp tác xã hội là cách tốt nhất để đạt được những mục đích cá nhân. Tiền đề của chủ nghĩa cá nhân nguyên thủy này củng cố cho sự hiểu biết về các quyền trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, và do đó của cả cộng đồng chính trị dân chủ bắt nguồn từ nó. Tiền đề này cũng là nền tảng của kinh tế tân cổ điển đương đại, xây dựng các mô hình dựa trên giả định rằng con người là những sinh vật lý trí muốn tối đa hóa lợi ích hoặc thu nhập cá nhân. Nhưng trên thực tế, chính chủ nghĩa cá nhân chứ không phải tính xã hội đã phát triển trong suốt chiều dài lịch sử loài người. Chủ nghĩa cá nhân nay dường như trở thành cốt lõi cho hành vi kinh tế và chính trị của chúng ta chỉ bởi chúng ta đã phát triển các thể chế gạt đi những bản năng mang tính cộng đồng tự nhiên hơn của mình. Aristotle đã chuẩn xác hơn những nhà lý luận tự do cận đại này khi nói rằng chính trị là bản chất tự nhiên của con người. Vì vậy, trong khi việc hiểu động lực của con người thông qua chủ nghĩa cá nhân có thể giúp giải thích hành vi của các thương gia và các nhà hoạt động tự do ở Mỹ ngày nay, đó lại không phải là cách hữu ích nhất để thấu hiểu quá trình phát triển ban đầu của chính trị loài người. (Chương 2)
Cuối cùng, mong muốn được công nhận đảm bảo rằng chính trị sẽ không bao giờ bị quy về tư lợi kinh tế đơn thuần. Con người đưa ra những đánh giá liên tục về giá trị nội tại, giá trị hoặc phẩm giá của người khác hay các thể chế, và họ tự tổ chức thành các hệ thống phân cấp dựa trên những đánh giá đó. Quyền lực chính trị cuối cùng dựa trên sự công nhận: một nhà lãnh đạo hoặc thể chế được coi là chính danh và có thể lãnh đạo một nhóm người thần phục ở mức độ nào. Mọi người có thể đi theo vì lợi ích cá nhân, nhưng các tổ chức chính trị quyền lực nhất là những nhóm hợp pháp hóa bản thân trên cơ sở tư tưởng rộng lớn hơn. (Chương 2)
Điều này lại giải thích tại sao bạo lực là trung tâm của quá trình phát triển chính trị. Như Hobbes chỉ ra, nỗi sợ hãi về cái chết đau đớn là một cảm xúc rất khác với mong muốn đạt được điều gì đó hay động lực kinh tế. Rất khó để định giá cho tính mạng của một người hay người thân yêu của họ, đó là lý do tại sao nỗi sợ hãi và sự bất an thường thúc đẩy mọi người làm những việc mà họ sẽ không làm vì tư lợi vật chất đơn thuần. Chính trị nổi lên như một cơ chế kiểm soát bạo lực, nhưng bạo lực luôn tồn tại như điều kiện nền tảng cho một số loại hình thay đổi chính trị. Các xã hội có thể bị mắc kẹt trong một trạng thái cân bằng thể chế vô hiệu, trong đó các bên liên quan hiện tại có thể phủ quyết những thay đổi thể chế cần thiết. Đôi khi bạo lực hoặc đe dọa bạo lực là cần thiết để thoát khỏi trạng thái cân bằng. (Chương 2)
Thật vậy, các kiểu xã hội có chính phủ tối thiểu hoặc phi chính phủ được vẽ ra bởi những kẻ mộng mơ bên cánh Tả và cánh Hữu không chỉ là ảo tưởng; chúng thực sự tồn tại trong thế giới đang phát triển đương đại. Nhiều vùng thuộc châu Phi hạ Sahara là thiên đường cho những người theo chủ nghĩa tự do. Khu vực này nhìn chung là một xã hội không tưởng của thuế thấp – chính phủ thường không thể thu thuế nhiều hơn 10% GDP, so với hơn 30% ở Mỹ và 50% ở một số vùng thuộc châu Âu. Thay vì giải phóng tinh thần kinh doanh, mức thuế thấp khiến các công vụ cơ bản như y tế, giáo dục và lấp ổ gà thiếu vốn trầm trọng. Cơ sở hạ tầng vốn là nền tảng cho nền kinh tế hiện đại, như đường sá, hệ thống tòa án và cảnh sát, đều thiếu hụt. Ở Somalia, nơi một chính quyền trung ương mạnh không tồn tại từ cuối những năm 1980, những cá nhân bình thường không chỉ có thể sở hữu súng trường mà còn cả súng phóng lựu, tên lửa phòng không và xe tăng. Mọi người có thể tự do bảo vệ gia đình mình và họ thực sự phải làm vậy. Nigeria có ngành công nghiệp điện ảnh sản xuất được nhiều bộ phim không kém gì Bollywood nổi tiếng của Ấn Độ, nhưng phim phải gặt hái lợi nhuận thật nhanh vì chính phủ không có khả năng đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp. Mức độ người dân ở các nước phát triển coi thể chế chính trị là đương nhiên được thể hiện rất rõ trong cách mà nước Mỹ lên kế hoạch, hoặc lên kế hoạch thất bại, cho thời hậu chiến sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Dường như chính quyền Mỹ nghĩ rằng nền dân chủ và kinh tế thị trường sẽ tự động hoàn nguyên sau khi chế độ độc tài Saddam Hussein bị xóa bỏ, và họ thực sự ngạc nhiên khi chính nhà nước Iraq lại sụp đổ trong những cuộc cướp phá và xung đột dân sự. Các mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan cũng bị đặt vào hoàn cảnh tương tự, nơi mười năm công sức và hàng trăm tỉ đô-la đã không giúp tạo ra một quốc gia Afghanistan ổn định và chính danh. (Chương 2)
Ý kiến cho rằng sự tồn tại của chính Islam giáo phụ thuộc vào việc sử dụng chế độ nô lệ quân sự được nhà sử học và triết gia Ả Rập vĩ đại Ibn Khaldun sống ở Bắc Phi vào thế kỷ XIV, cùng thời với vương quốc sultan Mamluk ở Ai Cập, đưa ra. Trong cuốn sách Muqadimmah, Ibn Khaldun nói như sau: “Khi nhà nước [Abbasid] này đắm chìm trong suy đồi và xa xỉ, bị khoác lên tấm áo tai họa và bất lực, bị lật đổ bởi người Tatar ngoại đạo – những người xóa bỏ vị trí của nhà nước Islam giáo và triệt tiêu nét đặc trưng của vùng đất, mang sự hoài nghi đến mảnh đất của đức tin, bởi những người có đức tin, chìm đắm trong sự nuông chiều bản thân, chỉ bận tâm đến vui thú và lạc lối trong những thứ xa xỉ, đã trở nên thiếu năng lượng và chần chừ (khi cần) tập hợp để phòng thủ, và vứt bỏ sự can đảm và biểu tượng của dũng khí. Để rồi, chính lòng nhân từ của Thượng đế đã giải cứu đức tin bằng cách hồi sinh nó từ cơn hấp hối và khôi phục sự thống nhất của người Islam giáo trong các vương quốc ở Ai Cập, giữ gìn trật tự và bảo vệ thành quách của người Islam giáo. Ngài đã làm điều này bằng việc gửi cho người Islam giáo, từ quốc gia Turk này và từ giữa các bộ lạc lớn và đông người, những người cai trị để bảo vệ họ và những người giúp đỡ trung thành hết mực, những người được đưa từ Dar-ul Harb đến Dar al-Islam để lao động cực nhọc, ẩn giấu trong chính nó một phước lành thiêng liêng. Bằng phương thức lao động, họ học được vinh quang và phước lành; được tiếp xúc với Thượng đế; được chữa lành bằng chế độ nô lệ, họ gia nhập Islam giáo với quyết tâm kiên định của những tín đồ chân chính nhưng cũng với những đức tính của người du mục, không bị vấy bẩn bởi bản chất thấp hèn, không bị pha trộn bởi những thú vui bẩn thỉu, không bị ô uế lối bởi sống văn minh và sự nhiệt thành không bị phá hủy bởi sự xa xỉ thừa thãi.” (Chương 14)
Chính phủ có trách nhiệm giải trình nghĩa là các nhà cai trị tin rằng họ có trách nhiệm với người bị trị và đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích của mình. Có thể đạt được trách nhiệm giải trình bằng một số phương pháp. Nó có thể nảy sinh từ giáo dục đạo đức, như ở Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Quân vương được giáo dục để cảm thấy có trách nhiệm với xã hội và được tư vấn bởi một bộ máy quan liêu phức tạp về nghệ thuật trị nước. Ngày nay, người phương Tây có xu hướng không đánh giá cao hệ thống chính trị mà nhà cầm quyền thể hiện sự quan tâm với người dân nhưng lại có quyền lực không bị giới hạn bởi bất kỳ quy trình nào như pháp quyền hay các cuộc bầu cử. Nhưng trách nhiệm đạo đức vẫn còn có ý nghĩa thực sự theo cách các xã hội độc tài vận hành, minh chứng bằng sự tương phản giữa nhà Hashemite ở Jordan và đảng Ba’ath ở Iraq dưới thời Saddam Hussein. Cả hai chế độ này đều không dân chủ, nhưng Saddam áp đặt một chế độ độc tài tàn bạo và toàn trị, nhằm phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của vòng tròn nhỏ bạn bè và người thân của mình. Vua Jordan, ngược lại, không có cơ chế trách nhiệm giải trình chính thức với người dân, ngoại trừ Quốc hội với quyền hạn rất hạn chế. Tuy nhiên, các vị vua Jordan rất cẩn trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của rất nhiều các nhóm khác nhau cấu thành nên xã hội Jordan. (Chương 22)
Câu chuyện về phát triển chính trị từ thời điểm này trong lịch sử châu Âu xoay quanh sự tương tác giữa nhà nước tập trung và các nhóm xã hội chống đối. Chính quyền chuyên chế trỗi dậy khi các nhóm chống đối hoặc yếu hoặc tổ chức kém, hoặc được nhà nước lựa chọn để hỗ trợ trong việc khai thác nguồn lực từ các nhóm xã hội không được trọng dụng. Chính quyền chuyên chế sẽ trở nên yếu nếu các nhóm chống đối được tổ chức một chặt chẽ đến mức chính quyền trung ương không thể chi phối. Và chính phủ có trách nhiệm giải trình nảy sinh khi nhà nước và các nhóm chống đối được cân bằng tốt hơn. Các nhóm chống đối có thể áp đặt cho nhà nước nguyên tắc “không đóng thuế nếu không có quyền đại nghị”: họ chỉ cung cấp nguồn lực trọng yếu khi họ có tiếng nói trong việc sử dụng nguồn lực đó. (Chương 22)
Khoảng thời gian cuối thế kỷ XVII đưa ra một mô hình quan trọng giải thích vì sao chủ nghĩa thân tộc có thể bị đảo ngược, liên quan đến những nỗ lực chống tham nhũng trong thời đại ngày nay. Tất cả các yếu tố kết hợp với nhau để tạo ra cuộc cải cách cuối triều đại Stuart vẫn còn quan trọng: tác động bên ngoài đặt áp lực tài chính vào chính phủ để cải thiện hiệu suất; một nhà lãnh đạo nếu không đích thân thống lĩnh các nỗ lực cải cách thì ít nhất sẽ không ngăn chặn nó; những nhà cải cách trong chính phủ có hỗ trợ chính trị đủ để thực hiện các chương trình của họ; và cuối cùng, áp lực chính trị mạnh mẽ từ dưới lên từ phía những người nộp thuế và không muốn tiền của mình bị lãng phí. (Chương 27)
Khi quan sát xung đột tôn giáo trong thế giới đương đại, nhiều người trở nên thù địch với tôn giáo và coi tôn giáo là một nguyên nhân của bạo lực và sự thiếu khoan dung. Trong một thế giới với môi trường tôn giáo chồng chéo và đa chiều, điều này rõ ràng là có thể đúng. Nhưng họ đã không đặt tôn giáo vào bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn, khi tôn giáo là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy hợp tác xã hội trên quy mô lớn, vượt qua huyết thống và bạn bè trở thành nguồn gốc của các mối quan hệ xã hội. (Chương 29)
Những lý do giải thích sự gia tăng nhanh chóng về năng suất sau năm 1800 luôn là cốt lõi cho các nghiên cứu về phát triển. Chúng liên quan đến những thay đổi trong môi trường trí tuệ, giúp thúc đẩy sự xuất hiện của khoa học tự nhiên hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển các kỹ thuật như hệ thống ghi sổ kép và các thể chế kinh tế vi mô hỗ trợ như luật sáng chế và bản quyền cho phép và khuyến khích đổi mới liên tục. Nhưng việc tập trung dễ hiểu vào quá trình phát triển của giai đoạn khoảng 200 năm trước đã làm lu mờ khả năng nhìn nhận của chúng ta về bản chất của nền kinh tế chính trị trong các xã hội tiền hiện đại. Việc giả định tính khả thi của tăng trưởng kinh tế liên tục đặt một giá trị đầu tư cao hơn vào thể chế và các điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng như ổn định chính trị, quyền sở hữu, công nghệ và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, nếu chúng ta giả định rằng chỉ có khả năng hạn chế để cải thiện năng suất, xã hội được đẩy vào một thế giới có tổng bằng không trong đó việc “săn mồi”, hay lấy đi nguồn lực từ người khác, thường là con đường khả dĩ hơn nhiều để đến với quyền lực và sự giàu có. (Chương 30)
Như đã đề cập trong chương đầu tiên, thất bại của nền dân chủ trong việc củng cố vị thế ở nhiều nơi trên thế giới không phải là do bản thân ý tưởng này không hấp dẫn, mà bởi sự thiếu vắng của những điều kiện vật chất và xã hội để chính phủ có trách nhiệm giải trình xuất hiện lúc đầu. Nền dân chủ tự do thành công đòi hỏi một nhà nước mạnh, thống nhất và có khả năng thực thi pháp luật trên lãnh thổ của mình; và một xã hội vững mạnh, gắn kết chặt chẽ và có khả năng áp đặt trách nhiệm giải trình lên nhà nước. Sự cân bằng giữa một nhà nước và xã hội mạnh giúp nền dân chủ vận hành, không chỉ ở nước Anh thế kỷ XVII, mà cả trong các nền dân chủ phát triển đương đại. (Chương 30)
Câu quote hay
Nói cách khác, hầu hết con người thà đánh nhau còn hơn chịu đói.
Thể chế chính trị là cần thiết và không thể coi là đương nhiên.
Đôi khi bạo lực hoặc đe dọa bạo lực là cần thiết để thoát khỏi trạng thái cân bằng.
Chính phủ có trách nhiệm giải trình nghĩa là các nhà cai trị tin rằng họ có trách nhiệm với người bị trị và đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích của mình.
Như nhà khoa học chính trị Barry Weingast đã cảnh báo, một nhà nước đủ mạnh để áp dụng quyền sở hữu tài sản thì cũng có thể tước đoạt chúng.
Những năm gần đây, các nhà kinh tế học thừa nhận rộng rãi rằng “thể chế là quan trọng”: các nước nghèo không phải vì họ thiếu tài nguyên, mà vì họ thiếu các thể chế chính trị hiệu quả.
Về tập 2
Tập hai này đặt ra câu hỏi cốt yếu về việc làm thế nào để các xã hội phát triển các thể chế chính trị mạnh mẽ, công tâm và có trách nhiệm giải trình, Fukuyama kể lại câu chuyện từ Cách mạng Pháp đến cái gọi là Mùa xuân Arab và những rối loạn sâu sắc của nền chính trị Mỹ đương đại.
Ông xem xét tác động của tham nhũng đối với quản trị và tại sao một số xã hội lại có thể thành công trong việc loại bỏ nó. Ông khám phá những di sản khác nhau của chủ nghĩa thực dân ở châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á, đồng thời đưa ra một giải thích rõ ràng về lý do tại sao một số khu vực lại phát triển và phát triển nhanh hơn những khu vực khác. Và ông mạnh dạn tính đến tương lai của nền dân chủ khi đối mặt với tầng lớp trung lưu toàn cầu đang gia tăng và sự tê liệt về chính trị ở phương Tây.
Một bản tường thuật sâu sắc và tuyệt vời về cuộc đấu tranh để tạo ra một nhà nước hiện đại đang hoạt động tốt, Trật tự chính trị và Suy tàn chính trị xứng đáng là một tác phẩm kinh điển.
Đánh giá/ Nhận xét của chuyên gia
- “Tham vọng và cực kỳ nên đọc.” ―The New Yorker
- “Cuốn sách nên có mặt ở mọi thư viện, trên mọi giá sách.” - David Keymer, Library Journal
- “Tác phẩm mới của nhà lý thuyết chính trị Francis Fukuyama là một thành quả trọng yếu, có thể xếp chung giá với các công trình của một số nhà tư tưởng chuyên đề như Jean-Jacques Rousseau và John Locke, hay các nhà triết học đạo đức hiện đại các nhà kinh tế học như John Rawls và Amartya Sen… Nó mở ra một viễn cảnh, nó góp một tiếng nói vào những vấn đề nóng bỏng về chính trị hiện thời.” ―Earl Pike, The Cleveland Plain Dealer
- “Một chiến thắng về học thuật, đồ sộ về quy mô, vững vàng về lý luận, và giàu tính khuyến nghị. Nói tóm lại, đây là một tác phẩm kinh điển.” ―Ian Morris, Slate
- “Đầy tham vọng, uyên bác và hùng hồn – đây quả là một thành tựu quan trọng đến từ một trong các học giả hàng đầu thời đại chúng ta.” ―Michael Lind, The New York Times Book Review
Trích đoạn hay
Cuốn sách bạn đang đọc đi cùng bộ với cuốn The Origins of Political Order: From Prehuman Times to the French Revolution (Nguồn gốc của trật tự chính trị: từ thời tiền sử đến Cách mạng Pháp). Bộ sách khởi đầu từ nỗ lực viết lại và cập nhật tác phẩm kinh điển Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội biến đổi)củaSamuel P. Huntington, xuất bản lần đầu năm 1968. Tập này lấy tên từ Chương 1 của cuốn đó, mà chính nó lại dựa trên bài viết ban đầu đăng trên tập san World Politics. Tác phẩm của Huntington quan trọng ở chỗ làm cho mọi người hiểu rằng phát triển chính trị là một quá trình tách bạch với phát triển kinh tế và xã hội, và rằng trước khi một chính thể có thể đạt tới dân chủ, nó phải cung cấp được một trật tự cơ bản đã. Bất chấp những khác biệt cả về hình thức, nội dung giữa cuốn của Huntington và của tôi, tôi cũng đi đến những kết luận cơ bản giống ông. Tập 1 trong bộ sách kể về nguồn gốc của ba hệ thống thể chế chính trị quan trọng: nhà nước, pháp quyền, những thủ tục thúc đẩy trách nhiệm giải trình dân chủ. Nó giải thích việc các thể chế này đã xuất hiện độc lập hay cùng nhau như thế nào, hoặc tại sao chúng không thể xuất hiện được, tại Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu.
[...]
Tập 1 của bộ sách dừng lại ở thời khắc lịch sử khi nền móng của ba hệ thống thể chế vừa được lót những viên gạch đầu tiên nhưng trước khi một trong ba được phát triển toàn triệt thành hình thái hiện đại ngày nay. Ở châu Âu và các phần khác trên thế giới, luật là thể chế phát triển cao nhất. Nhưng như trong trường hợp của Bộ luật Napoléon, vẫn còn nhiều việc phải làm để chính thức hóa, hệ thống hóa, dung hòa và cập nhật để luật pháp thực sự trở thành trung lập trong quan hệ con người. Ý tưởng về một nhà nước hiện đại đã nảy mầm ở châu Âu từ cuối thế kỷ 16, nhưng không một bộ máy nào, kể cả bộ máy hành chính mới tại Paris hoàn toàn được xây dựng trên cơ chế nhân tài. Đại đa số các bộ máy chính quyền nhà nước trên khắp lục địa vẫn còn mang tính thân hữu. Và cho dù ý tưởng dân chủ đã được gieo trồng ở Anh và nhất là ở các thuộc địa Bắc Mỹ, trên trái đất chưa có xã hội nào mà đa số bộ phận dân số trưởng thành được bỏ phiếu hay tham gia vào hệ thống chính trị.
Hai diễn biến lớn nhất đang mở ra tại thời khắc chính biến này. Đầu tiên là Cách mạng Công nghiệp, trong đó sản lượng bình quân đầu người dịch chuyển lên một mức độ bền vững cao hơn nhiều so với bất kỳ thời kỳ nào trước đó trong lịch sử loài người. Điều này có những hệ quả to lớn vì tăng trưởng kinh tế bắt đầu chuyển biến bản chất cốt lõi của các xã hội.
Đại biến lớn thứ hai là làn sóng chủ nghĩa thực dân thứ hai, đặt châu Âu ở thế xung đột với phần còn lại của thế giới. Làn sóng thứ nhất bắt đầu với những cuộc chinh phạt Tân Thế giới của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và sau đó là luồng định cư Anh và Mỹ tại Bắc Mỹ. Làn sóng thuộc địa hóa đầu tiên đã tự kiệt quệ vào cuối thế kỷ 18, và các đế quốc Anh và Bồ Đào Nha bị buộc phải rút lui sau các phong trào đòi độc lập tại các thuộc địa của họ tại Tân Thế giới. Nhưng bắt đầu với Chiến tranh Anh–Miến năm 1824, một giai đoạn mới nổi lên chứng kiến hầu như toàn bộ phần còn lại của thế giới bị rút thành các đế chế thực dân của các cường quốc phương Tây vào cuối thế kỷ.
Tập này nối gót từ câu chuyện dang dở của Tập 1, kể tường tận việc nhà nước, luật pháp, và dân chủ hình thành phát triển trong vòng hai thế kỷ qua ra sao; chúng tương tác với nhau và với các chiều kích phát triển kinh tế–xã hội như thế nào, và cuối cùng, chúng đã bộc lộ những dấu hiệu suy tàn tại Mỹ và tại các nền dân chủ phát triển khác ra sao.
Câu quote hay
“có một số con đường tiến đến một nhà nước hiện đại. Bạo lực đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đổi mới chính trị chỉ còn là vấn đề của lịch sử, chứ không còn là điều kiện cần cho cải cách trong những trường hợp xảy ra về sau. Các xã hội đó có cơ hội lựa chọn học hỏi từ kinh nghiệm người đi trước và điều chỉnh các mô hình khác cho phù hợp với xã hội của họ.”
Về tác giả
FRANCIS FUKUYAMA (1952)
Nhà triết học, nhà kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard và từng làm việc trong bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ. Fukuyama hiện là giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế và Giám đốc Chương trình Phát triển Quốc tế tại Trường Paul H. Nitze về Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao, thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington, DC.
Các tác phẩm tiêu biểu:
The Origins of Political Order (Nguồn gốc trật tự chính trị)
Political order and Political decay (Trật tự chính trị và Suy tàn chính trị)
The End of History and the Last Man (Sự cáo chung của lịch sử và Con người cuối cùng)
Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment (Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và Chính trị phẫn nộ)
Sản phẩm liên quan
THÔNG TIN MUA SẮM
-
Style sành điệu của Gabriela Wilde, Chloe Moretz, Lily Collins
Ngoại hình bé nhỏ và sức hấp dẫn đầy bí ẩn, theo đúng phong cách của một ngôi sao Hollywood, thời... Xem thêm >
-
Go Asung cảnh cáo thư kí "Nếu coi thường bố mẹ tôi, cô có thể bị sa thải"
Seobom (Go Asung) trong phim “Heard It Through the Grapevine” đã cho thấy hình ảnh con dâu của một... Xem thêm >
-
Snowden – khi chính nghĩa lên tiếng
Một điều sai trái nếu được lập lại hàng ngàn lần, liên tục, ai cũng làm thì liệu nó có trở thành... Xem thêm >